Chườm nóng (hay đắp nóng) và chườm lạnh (hay đắp lạnh) là phương pháp điều trị vật lý sử dụng tác dụng của nhiệt hay còn gọi nhiệt trị liệu.
Tôi bị trẹo chân gây bong gân gót, đã uống thuốc giảm đau nhưng vùng mu chân và cổ chân vẫn sưng nề và đau. Người nói xoa dầu nóng hoặc sao ngải cứu bó vào. Người nói chườm lạnh. Tôi lúng túng không biết làm thế nào. Xin quý báo tư vấn chườm như vậy có tác dụng gì?
Phạm Thị Lan (Quảng Ninh)
Chườm nóng (hay đắp nóng) và chườm lạnh (hay đắp lạnh) là phương pháp điều trị vật lý sử dụng tác dụng của nhiệt hay còn gọi nhiệt trị liệu. Trong thực tế điều trị hiện nay, có nhiều cách để dùng nhiệt trị liệu tác động lên một phần hay toàn bộ cơ thể. Nếu chỉ sử dụng trên một bộ phận cơ thể thì gọi là chườm (hoặc đắp, sấy, hơ). Đối với chườm nóng, có thể dùng muối hay các loại dược liệu rang nóng (hoặc nguồn nhiệt như đắp nước nóng hoặc ngâm nước nóng).
Đối với lạnh, có thể dùng nước đá (đắp, chườm) hoặc nước lạnh (ngâm). Chườm nóng hay đắp nóng trong trường hợp cứng khớp, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, các dây thần kinh ngoại vi khác nhưng chống chỉ định trong viêm cấp tính, chấn thương, vết thương nhiễm khuẩn, tắc động mạch hay tĩnh mạch. Tác dụng cải thiện tuần hoàn tại chỗ, giảm sung huyết các phần sâu, giãn cơ, giảm đau.
Chườm lạnh trong các trường hợp rối loạn hệ cơ xương như bong gân, viêm khớp cấp, viêm bao hoạt dịch cấp, đau lưng cấp, thoát vị đĩa đệm… Chống chỉ định trong xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, các trường hợp liệt cứng… Chườm lạnh có tác dụng làm giảm độ truyền dẫn xung động trên dây thần kinh, từ đó làm giảm kích thích cơ, giảm phản xạ cơ. Trường hợp của bạn ngay lúc bị chấn thương bong gân (sưng đau) thì cần chườm lạnh. Nếu do cố định cổ chân lâu gây cứng khớp thì cần chườm nóng. Với những chỉ định của chườm nóng và lạnh trên, bạn có thể áp dụng cho mình đúng lúc nhé.
BS. Nguyễn Kim Dung