Sau khi Thế Giới Di Động thể hiện ý đồ muốn tham gia vào lĩnh vực dược phẩm, một doanh nghiệp điện máy khác là Nguyễn Kim cũng bày tỏ tham vọng vào thị trường còn khá mới này.
Theo đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim vừa có Nghị quyết HĐQT về việc chào mua công khai cổ phiếu của CTCP Dược Lâm Đồng – Ladophar (mã chứng khoán LDP).
Mua thêm cổ phiếu để trở thành cổ đông chi phối
Cụ thể, Nguyễn Kim sẽ mua thêm cổ phiếu LDP để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty dược này từ mức 24% hiện tại lên 51,14% vốn điều lệ công ty, đủ để Nguyễn Kim trở thành cổ đông chi phối tại Dược Lâm Đồng.
Để trở thành cổ đông chi phối tại đây, Nguyễn Kim dự kiến phải mua thêm khoảng 2,1 triệu cổ phiếu LDP với giá chào mua tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, Dược Lâm Đồng hoạt động với vai trò công ty liên kết của Nguyễn Kim, nếu thương vụ hoàn tất, công ty dược này sẽ trở thành công ty con của Nguyễn Kim. Sau khi thương vụ hoàn tất, Dược Lâm Đồng vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc…
Theo báo cáo tài chính quý III của Dược Lâm Đồng, trong 3 tháng vừa qua, công ty ghi nhận tổng cộng 165 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ, và báo lãi ròng gần 6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Dược Lâm Đồng thu về hơn 423 tỷ đồng doanh thu thuần, và báo lãi ròng gần 15 tỷ đồng. Con số tương đối ấn tượng với một đơn vị phân phối dược phẩm sở hữu 6 chi nhánh trực thuộc tại một số tỉnh thành.
SCIC vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Dược Lâm Đồng khi sở hữu tổng cộng 31,87% vốn.
Cổ phiếu Dược Lâm Đồng hầu như không có giao dịch
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LDP đang ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu, và thanh khoản rất thấp. Hầu hết phiên giao dịch đều không có cổ phiếu nào của Dược Lâm Đồng được giao dịch. Những phiên ghi nhận có giao dịch diễn ra số lượng cũng rất hạn chế chỉ vài nghìn cổ phiếu, thậm chí là 10-20 cổ phiếu mỗi phiên.
Nguyễn Kim trở thành cổ đông tại Dược Lâm Đồng từ cuối năm 2014 khi công ty này quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng thâu tóm hơn 10% vốn tại đây. Sau đó, công ty nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 24% mới đây.
CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim là công ty có vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, hiện nay do đại gia Nguyễn Kim là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Kim còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Thương Mại Nguyễn Kim, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim phát triển rất mạnh tại thị trường phía Nam. Ngoài Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim còn đầu tư FT Pharma.
“Mỏ vàng” ngành dược
Việc Nguyễn Kim muốn thâu tóm Dược Lâm Đồng diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện máy khác cũng đang muốn chen chân vào phần phối dược phẩm.
Gần đây, thông tin “gã khổng lồ” Thế Giới Di Động lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm trở lên rầm rộ. Thậm chí, công ty này đã thông báo đăng tuyển Dược sĩ, phụ trách chuyên môn tại TP.HCM dù chưa công bố tên chuỗi dược phẩm bị thâu tóm.
Thế Giới Di Động là doanh nghiệp điện máy thể hiện rõ mong muốn tham gia vào thị trường phân phối dược phẩm từ đầu năm nay. Ảnh minh họa: TGDĐ. |
Trước đó, ông chủ của chuỗi TGDĐ là ông Nguyễn Đức Tài đã thể hiện mong muốn tham gia vào thị trường phân phối dược phẩm từ đầu năm nay. Theo đó, chiến thuật của TGDĐ chính là tìm kiếm một đơn vị chuyên về lĩnh vực này để tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A), và đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng.
Theo kế hoạch TGDĐ công bố, công ty sẽ chi khoảng 500 tỷ đồng để thâu tóm 20-40% vốn tại một chuỗi dược phẩm, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60% và trở thành cổ đông chi phối.
Trong báo cáo về ngành dược tại Việt Nam của Business Monitor International (BMI), quy mô ngành dược trong tài Việt Nam hiện nay vào khoảng 4,7 tỷ USD (2016) và tiếp tục có xu hướng tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Trong đó, doanh số bán lẻ dược phẩm chiếm một phần ba về giá trị, tương đương 1,56 tỷ USD.
Theo nhiều thống kê, hiện nay hệ thống phân phối dược phẩm tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm trong tay các hệ thống cửa hàng thuốc tư nhân mà chưa có đơn vị nào chiếm lĩnh trên 20% thị phần. Đây được xem là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng đặc biệt những đơn vị như Nguyễn Kim hay TGDĐ.